Nếu bạn hồi tưởng về tuổi thơ của mình, về những trận đòn và la mắng từ chính bố mẹ mình, và hãy liên tưởng đến việc bạn nuôi dạy con cái bây giờ về những trận đòn hay la mắng con.
Bạo hành cảm xúc bằng lới nói – đôi khi vô ý những lại không hề vô hại tý nào!
Sẹo và các vết bầm tím của đòn roi có thể được nhìn thấy, nhưng vết thương từ những lời nói thì nó có thể kéo dài và hằn mãi trong ký ức của mỗi người. Mặc dù một đứa trẻ bị bạo hành cảm xúc bằng lời nói có thể không phải vào bệnh viện vì bị gãy xương hay chấn động, nhưng tôi cam đoan với bạn là hậu quả nó sẽ là mãi mãi.
Bạo hành cảm xúc bằng lới nói là gì?
Nếu bạn hồi tưởng về tuổi thơ của mình, về những trận đòn và la mắng từ chính bố mẹ mình, và hãy liên tưởng đến việc bạn nuôi dạy con cái bây giờ về những trận đòn hay la mắng con.
Bạn đã từng uất ức thế nào khi chính ba mẹ mình bảo mình “sao mày ngu thế! có thế mà cũng không làm” “sao chỉ mãi mà mày không hiểu thế, ăn gì mà ngu thế” hay “có thế mà cũng không làm xong”, ” đã bảo không được làm thế này, mà vẫn làm, đồ lì lợm” (kèm vái cái ấn đầu) hay “đồ hư, đồ ngu…..” , “đồ con bò, đồ đầu heo… ăn cám lợn sao mà ngu thế! ”
Hoặc nhẹ hơn có thể là những lời: con hư quá, mẹ không yêu con nữa. Con không phải con của mẹ, con mẹ phải ngoan …. /Sao con phá vậy, mẹ đã nói với con rồi vân vân và vân vân, tôi tin bạn có thể điểm thấy hàng loạt những lời nói này bạn có thể không ít thì nhiều sử dụng với con với tần suất khá cao, khi mà cơn giận dữ và kiểm soát của bạn hoàn toàn mất tự chủ. Và điều còn lại là tuôn toàn bộ lời nói giận dữ, tiêu cực của mình lên con trẻ.
Tôi đã từng nhìn thấy rất nhiều cảnh ông bà, cha mẹ mắng con xối xả khi con không làm được điều mà ông bà, cha mẹ mong muốn. Chỉ đơn giản, dắt con đi đến nhà họ hàng chơi, cậu bé hay cô bé không chào, ba mẹ nhắc chào, nhưng vẫn trốn phía sau lưng mẹ, mắt mở to nhìn dáo dác, ba mẹ thì cứ lôi ra bảo con chào bà đi, con chào ông đi. Và sau một vài lần nhắc thế, sẽ là “cái thằng này hư, dạy mãi mà chẳng chịu chào ai!”, và thậm chí có những đứa trẻ bị ép chào đến khóc ngất.
Các trận sỉ nhục, thóa mạ trên chính đứa con của mình khi con làm sai, khi con bị điểm thấp, khi con làm điều trái ngược cha mẹ mong muốn.
Vâng, tất cả những điều này theo định nghĩa của Wiki là bạo hành cảm xúc (hay bạo hành tinh thần) bằng lời nói.
Bạn có bạo hành cảm xúc bằng lới nói trên con của mình không?
Điều đang buồn là nhiều cha mẹ không hề biết mình đang bạo hành cảm xúc chính con mình. Nhiều cha mẹ làm tổn thương con bằng những lời nói tiêu cực mà không biết mình đang bạo hành cảm xúc chính con của mình. Họ luôn ngụy biện cho việc “thương cho roi cho vọt”, phải mắng thì mới khôn ra, tất cả chỉ vì tốt cho con mà thôi. Vì những lối suy nghĩ này họ vô tình bóp nghẹn trí tuệ cảm xúc của một đứa trẻ.
Đến một ngày nào đó họ tự hỏi sao con tôi ăn học đàng hoàng mà sao bị thằng kia nó dụ có bầu, sao con tôi nó nhát quá, bị bạn ăn hiếp mà không biết phản kháng, sao con tôi không biết ra quyết định, không biết lựa chọn cứ khờ khờ thế nào! Không hiểu lúc buồn cũng như vui, mặt cứ trơ ra.
Dạ vâng, vì khi con làm cái gì không đúng điều cha mẹ muốn, là sẽ bị la, mắng, thì tại sao con phải quyết định hay lựa chọn gì nữa. Lúc nào cũng được ăn mắng xối xả, đổ nước cũng bị la, chơi dơ cũng bị mắng, con sẽ co lại thì cha mẹ đừng hỏi sao con nhát! Dưới sự đe dọa và la mắng thường xuyên hay bạo hành cảm xúc thường xuyên, thì tất nhiên cảm xúc con sẽ chai lì, hoặc con giấu toàn bộ cảm xúc vào bên trong, thì sao mà cha mẹ đọc được cảm xúc trên khuôn mặt con. Trước đây khi con không muốn mà cha mẹ muốn, là cha mẹ ép, ép mãi thành phải chịu vì đâu có cơ hội phản kháng, thì đến khi bị một nguồn lực khác ép, dụ dỗ, con hoàn toàn không có kỹ năng từ chối, phản kháng và bảo vệ mình.
Ngôn từ tiêu cực có thể là kẻ giết người thầm lặng!
Một điều tệ hại hơn nữa là ngay cả những đứa trẻ trong gia đình mà không bị bạo hành cảm xúc trực tiếp, nhưng chứng kiến những việc đó xảy ra trước mắt mình với anh chị em trong nhà mình, vẫn là một hình ảnh in sâu trong tiềm thức của đứa trẻ đó. Và chúng sẽ để đấy khi có cơ hội sẽ được đem ra ứng dụng. Bạn nên nhớ là dạy một điều tốt, thói quen tốt bạn mất rất nhiều thời gian để dạy con, nhưng với một điều xấu trẻ chỉ cần nhìn một lần thôi, và trẻ có thể ứng dụng được ngay.
Bạn nghĩ sao khi một ngày, con bạn khi nhìn thấy anh, chị hay em làm điều gì mình không thích, không ưng ý, hay sai, và sử dụng những lời nói hay hành động bạo hành cảm xúc hay thể chất mà chúng đã từng được nhìn thấy cha mẹ mình làm với anh/ chị hay chính bản thân mình. Vì rõ ràng làm không đúng thì dùng bạo lực hay lời nói sỉ nhục để mắng nhiết đối phương, để giải quyết vấn đề.
Có thể bạn nói những lời vô ý nhưng không hề vô hại tý nào.
Quản lý cảm xúc để nói KHÔNG với bạo hành cảm xúc hay bạo hành bằng lời nói.
- Một trong những quy tắc đầu tiên bạn phải luôn nằm lòng đó là không nên làm gì và nói gì khi bạn đang bùng nổ cơn giận với con về việc gì đó của con. Vì bạn luôn biết “Nóng giận luôn mất khôn”. Điều này rất khó, vì đôi khi nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình, nhưng hãy nghĩ đến những hậu quả mà con bạn sẽ phải gánh chịu sẽ nhiều hơn là bạn xả một cơn giận!
- Hãy cam kết không đánh, không chửi thề, không gọi tên con là con này con kia, không đưa ra bất kỳ hình phạt nào trong khi tức giận. Còn la hét thì sao? Nếu bạn thực sự cần phải hét lên vì không chịu được, thì hãy vào trong phòng, trong toilet, và hét lên nơi không ai có thể nghe thấy, và đừng sử dụng từ ngữ nào, hay bất kỳ so sánh nào, bởi vì những điều đó chỉ làm bạn tức giận thêm thôi. Đôi khi bạn chỉ cần hét lên, có thể bạn đã lấy lại bình tĩnh và cùng giải quyết vấn đề với con.
- Hãy làm một thứ chậm lại thay vì nhanh bùng cơn giận dữ, và tuôn ra những lời nói tiêu cực tổn thương con.
- Hãy lắng nghe cơn giận của bạn trước khi bạn hành động là phải đập nó một trận, hay kì này là chết với tôi!
- Hãy nhớ là khi bạn bùng nổ cơn giận, bạn chỉ làm tăng thêm cơn giận của cả chính bạn và đôi khi con bạn.